Các báo cáo của tổ chức dự báo hàng hóa Úc đã chỉ ra cho các nhà xuất khẩu thực phẩm tại Úc những cơ hội quan trọng để tiến vào thị trường Châu Á đến năm 2050.
‘Châu Á cần gì’ là bản báo cáo đầu tiên trong loạt báo cáo Kế hoạch Thực phẩm Quốc gia do Cục Nông nghiệp, Kinh tế Tài nguyên và Khoa học Úc (ABARES) đảm trách nhằm phác thảo xu hướng dài hạn về nhu cầu thực phẩm tại Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các quốc gia Đông Nam Á.
Báo cáo cho thấy tuy các quốc gia Châu Á sẽ tăng sản xuất lương thực thực phẩm nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của người dân trong nước. Và đây sẽ là cơ hội quan trọng cho những quốc gia xuất khẩu như Úc.
Tại Trung Quốc, xu hướng thu nhập cao và sự gia tăng nhu cầu hàng hóa giá trị cao được dự đoán sẽ tiếp tục. Theo ABARES, Trung Quốc sẽ có thể đáp ứng nhu cầu gia tăng của mình đối với gạo, lúa mì, rau, trái cây, thịt heo và gia cầm đến năm 2050 mà không cần phải tăng nhập khẩu.
Tuy nhiên, ABARES dự đoán quốc gia này sẽ tăng nhập khẩu một số mặt hàng khác.
So với năm 2007, Cục dự đoán nhu cầu của Trung Quốc đối với các sản phẩm sữa sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, và gần gấp đôi đối với đường và thịt bò.
Nhu cầu về cừu và thịt dê vào năm 2050 sẽ cao hơn 75% so với năm 2007, trong khi nhu cầu về dầu thực vật sẽ tăng thêm 61%.
Nhu cầu về ngũ cốc thô được dự đoán là tăng 18% vào năm 2050 so với năm 2007.
Nhu cầu hàng hóa gia tăng sẽ buộc Trung Quốc phải gia tăng nhập khẩu từ một số nước như Úc.
Trong khi thịt là mặt hàng quan trọng tại Trung Quốc thì ở Ấn Độ, nơi mà phần lớn dân số là người ăn chay, rau và trái cây (dự đoán đạt 14 tỷ đô vào năm 2050) và các sản phẩm từ sữa (trị giá 13 tỷ đô vào năm 2050) được dự đoán sẽ tăng nhiều nhất.
Ấn Độ vốn là một trong những quốc gia tiêu dùng và sản xuất ngũ cốc lớn nhất ở Châu Á. ABARES cho hay Ấn Độ có khả năng vẫn là nước xuất khẩu gạo và các loại ngũ cốc thô đến năm 2050. Tuy Ấn Độ có thể là thị trường tương đối nhỏ cho xuất khẩu lúa mì nhưng giá trị nhập khẩu lúa mì dự kiến sẽ đạt 1,5 tỷ đô vào năm 2050.
Nhu cầu về thực phẩm có giá trị cao ở Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ không tăng trưởng nhanh như Ấn Độ và Trung Quốc do thu nhập tương đối cao và mức tiêu thụ thực phẩm đã tồn tại ở các nước này. Dân số và tăng trưởng kinh tế cũng được dự báo sẽ giảm tại Nhật Bản và Hàn Quốc ra vào năm 2050.
Báo cáo của ABARES cũng chỉ ra Úc nên tiếp tục phát triển xuất khẩu hàng hóa đến các nước thành viên ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan.
ABARES dự đoán rằng lượng tiêu thụ thịt bò ở các nước ASEAN sẽ tăng 120% đến năm 2050 so với năm 2014, và sữa cũng sẽ tăng gấp đôi trong cùng thời kỳ này.
Nhập khẩu từ các nước như Úc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thịt bò và sữa, cũng như 40% gia tăng nhập khẩu lúa mì vào các nước ASEAN đến năm 2050.
ABARES cũng dự đoán trái cây và rau tiêu thụ trong khu vực ASEAN tăng gần gấp đôi và đạt 8 tỷ đô vào năm 2050.
- Có giấy chứng nhận Vệ sinh an toàn Thực Phẩm.
- Chứng chỉ Halal (dành cho người đạo Hồi).